Vô lăng ô tô đánh lái nặng là do đâu?

CEO ANH JIMMY
Trong quá trình sử dụng ô tô, vô lăng luôn là một trong những bộ phận tiếp xúc nhiều nhất với người dùng. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, bạn có thể cảm...

Trong quá trình sử dụng ô tô, vô lăng luôn là một trong những bộ phận tiếp xúc nhiều nhất với người dùng. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, bạn có thể cảm thấy tay lái trở nên nặng, cứng hoặc trả lái chậm. Điều này làm giảm trải nghiệm lái xe và cũng có thể gây ra rủi ro an toàn. Vậy tại sao vô lăng lại bị nặng? Dưới đây là 6 nguyên nhân thường gặp:

1. Áp suất lốp

Áp suất lốp không đạt chuẩn có thể làm cho vô lăng trở nên nặng, đặc biệt là khi lốp bị thiếu hơi. Việc bơm căng lốp theo chỉ số PSI được khuyến nghị của nhà sản xuất là rất quan trọng. Ngoài ra, lốp trước bị mòn không đồng đều hoặc không đảo lốp định kỳ cũng có thể gây ra vấn đề này.

2. Thước lái kém hiệu quả

Thước lái được kết nối với vô lăng thông qua các trục và khớp chữ U. Theo thời gian, các bộ phận này có thể mòn đi, do hoạt động lái xe hàng ngày. Nếu bạn cảm thấy vô lăng cứng ngay sau khi khởi động, hãy kiểm tra thước lái. Trong trường hợp này, sau một thời gian, vô lăng sẽ trở nên mượt hơn, điều này là do thước lái được bôi trơn tốt hơn khi động cơ hoạt động. Tuy nhiên, việc để lâu có thể gây hỏng hóc cho thước lái.

Thước lái vô lăng Trục lái được kết nối với vô lăng thông qua các trục và khớp chữ U.

3. Dây đai dẫn động bơm trợ lực bị chùng

Một nguyên nhân phổ biến khác khiến tay lái khó đánh lái là dây đai dẫn động bơm trợ lực bị chùng. Vấn đề này khiến cho hệ thống trợ lực hoạt động không hiệu quả.

4. Dầu trợ lực bị thiếu hoặc rò rỉ

Thiếu dầu hoặc rò rỉ dầu lái là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây khó khăn khi xoay vô lăng. Khi đó, áp suất trong máy bơm bị thiếu, không cung cấp đủ dầu để giúp vô lăng xoay dễ dàng.

Dầu trợ lực bị thiếu hoặc rò rỉ Dầu lái bị thiếu hoặc rò rỉ là nguyên nhân hàng đầu khiến vô lăng trở nên khó xoay.

5. Bơm trợ lực

Bên cạnh chất lỏng, bơm trợ lực đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra áp suất đủ cho hệ thống trợ lực lái. Nếu bơm trợ lực bị hỏng hoặc không hoạt động, việc lái xe sẽ trở nên rất khó khăn. Nguyên nhân có thể là do cánh bơm bị mòn, đường dầu tới thước lái bị hở hoặc bề mặt bơm bị trầy xước. Trường hợp bơm trợ lực bị hỏng hoàn toàn có thể khiến vô lăng không thể di chuyển.

6. Dầu trợ lực bị bẩn, cô đặc

Tương tự như các chất lỏng khác trên xe, dầu trợ lực lái cũng có thể tích tụ bụi bẩn và mảnh vụn theo thời gian. Khi dầu trở nên quá đặc hoặc có quá nhiều bụi bẩn, nó sẽ không còn hiệu quả trong việc bôi trơn trục lái.

Những nguyên nhân trên thường gặp khiến vô lăng ô tô trở nên nặng và khó điều khiển. Nếu bạn gặp phải vấn đề này, hãy kiểm tra và khắc phục sớm để đảm bảo an toàn khi lái xe.

Theo Cartimes

1