Xem thêm

Bánh xe ô tô: cấu tạo, tác dụng, nguyên lý làm việc

CEO ANH JIMMY
Bánh xe ô tô là gì? Bánh xe ô tô (bao gồm mâm xe và lốp xe) là thành phần quan trọng của hệ thống chạy, nằm giữa cầu xe và mặt đường. Nó có...

bánh xe ô tô là gì

Bánh xe ô tô là gì?

Bánh xe ô tô (bao gồm mâm xe và lốp xe) là thành phần quan trọng của hệ thống chạy, nằm giữa cầu xe và mặt đường. Nó có chức năng đỡ xe và trọng lượng chở trên xe, tiếp nhận lực, mô-men từ mặt đường tác dụng lên khung xe và ngược lại, giảm xung chấn động khi xe chạy trên mặt đường gồ ghề, lồi lõm, duy trì hướng chạy của xe.

Mâm xe ô tô là gì?

2.1 Chức năng và phân loại mâm xe

Mâm xe là một bộ phận quay chịu tải, bên ngoài lắp lốp xe, ở giữa lắp trục xe. Chức năng của nó là cố định lốp vào xe, đồng thời truyền tải và chịu các loại lực và mô-men giữa lốp và cầu xe.

Mâm xe gồm vành, moay-ơ và nan hoa. Dựa trên cấu trúc của nan hoa, có thể chia mâm xe thành 2 dạng là mâm xe có nan hoa liền, và mâm xe có nan hoa rời. Đối với loại mâm xe nan hoa liền lại dựa trên vật liệu khác nhau chia thành mâm hợp kim nhôm và mâm thép. Dựa trên công nghệ chế tạo, mâm xe bằng thép có thể được chế tạo bằng cách dập, cũng có thể được tán hoặc hàn, còn mâm hợp kim nhôm có thể được chế tạo bằng cách đúc bằng khuôn hoặc rèn.

2.2 Cấu tạo mâm xe ô tô

Mâm xe kiểu nan hoa dạng liền khối gồm các thành phần như vành, nan hoa, moay-ơ. Nan hoa liên kết vành và moay-ơ.

Nan hoa thường được chế tạo bằng cách dập ép, đôi khi cũng được chế tạo bằng cách đúc. Vành và nan hoa liền khối với nhau, đồng thời được lắp vào moay-ơ hoặc tang trống (của phanh) bằng bu lông. Nắp đậy mâm xe được lắp bên ngoài nan hoa.

Vật liệu chế tạo nan hoa thường là loại vật liệu nhẹ. Để nâng cao độ cứng vững, nan hoa thường được dập thành hình dạng nhất định. Một số hãng chế tạo ô tô sử dụng hợp kim nhôm đúc nan hoa để làm giảm trọng lượng của mâm xe và giúp cho tang trống phanh tỏa nhiệt nhanh. Để giữ cân bằng khi xe chạy nhanh, trên mâm xe thường được kẹp các miếng chì.

Nan hoa của mâm xe kiểu nan hoa dạng rời có thể là nan hoa thép sợi và nan hoa đúc. Loại nan hoa thép sợi vì giá thành cao, lắp đặt và bảo dưỡng không tiện lợi nên chỉ được sử dụng trên xe đua hoặc ô tô cao cấp. Hiện tại, nan hoa đúc được sử dụng nhiều hơn. Loại mâm xe kiểu nan hoa đúc thường được sử dụng cho các loại xe tải trọng lớn. Nan hoa đúc được lắp vào vành và moay-ơ bằng bu lông.

2.3 Vành xe ô tô

Vành xe là bộ phận của bánh xe dùng để lắp lốp xe, có dạng hình trụ được chế tạo bằng cách đúc hoặc dập và hàn thép tấm. Vật liệu chế tạo vành xe có thể bằng thép hoặc bằng hợp kim nhôm. Vành xe bằng thép thường được sử dụng cho ô tô loại thường hoặc xe tải trọng lớn. Vành xe bằng nhôm thường được sử dụng cho các loại ô tô trung và cao cấp.

Vành xe gồm có 2 loại là liền khối và tháo rời. Với loại vành liền khối lại được chia làm hai loại là vành lòng lõm và vành lòng phẳng.

Loại vành tháo rời gồm có hai phần được dùng bu lông liên kết với nhau thành một thể. Chiều rộng mỗi phần có thể bằng nhau hoặc không bằng nhau. Khi tháo lắp lốp xe chỉ cần tháo lắp bu lông liên kết giữa hai phần.

Lốp xe ô tô là gì?

3.1 Chức năng của lốp xe

Lốp xe được chế tạo từ cao su, có dạng hình xuyến, là bộ phận tiếp xúc với mặt đường và được lắp trên vành xe. Lốp là thành phần không thể thiếu để vận hành cho xe chạy. Vì vậy, nó được xem là một trong những bộ phận quan trọng nhất của xe.

Nó bao gồm những chức năng cơ bản sau:

  • Chịu lực từ trọng lượng xe: Áp suất và kết cấu lốp rất quan trọng cho việc tải trọng lượng của xe
  • Giảm xóc: Khí nén, vật liệu và kết cấu lốp giúp giảm xóc khi tình trạng mặt đường xấu. Hơi trong lốp hoạt động như một chiếc lò xo.
  • Truyền lực kéo và lực phanh: Nhờ lực ma sát với mặt đường, lốp xe có thể lăn bánh giúp cho xe di chuyển hoặc dừng xe lại.
  • Thay đổi hoặc giữ hướng: Quay vô lăng làm xoay bánh trước (bánh dẫn hướng) và chiếc xe chạy theo hướng bạn mong muốn.

3.2 Phân loại lốp xe ô tô

  • Phân loại dựa trên hoa lốp: Dựa trên hoa lốp, lốp xe có thể chia làm 3 loại là hoa lốp loại thường, hoa lốp việt dã và hoa lốp hỗn hợp.
  • Phân loại dựa trên sắp xếp của lớp sợi bố: Dựa trên sự sắp xếp của lớp sợi bố, lốp xe được chia thành 2 loại là lốp có lớp sợi bố chéo (lốp bố chéo) và lốp có lớp sợi bố hướng kính (lốp radial hay lốp bố xuyên tâm).

3.3 Đặc điểm của lốp xe

  • Đặc điểm của lốp bố chéo: Loại lốp này có các sợi bố đan chéo vào nhau. Loại lốp này có đặc điểm là mặt lốp và thành lốp có độ cứng lớn. So với lốp radial, sự biến dạng trên bề mặt ngoài của nó nhỏ hơn. Do đó, nó có tính năng bám và quay vòng tốt hơn. Do có độ cứng vững cao, nó dễ truyền chấn động từ mặt đường hơn và kết quả là tính êm dịu chuyển động bị kém đi một chút. Khi xe chạy nhanh, các lớp sợi bố dịch chuyển và ma sát, vì thế không thích hợp chạy với tốc độ cao. Cùng với sự cải tiến không ngừng của loại lốp Radial, thì lốp có lớp sợi bố chéo ngày càng ít được sử dụng.

  • Đặc điểm của lốp có lớp sợi bố hướng kính: Các sợi bố được bố trí theo hướng mặt cắt của lốp, vì thế lớp sợi bố tương đương với khung của lốp. Khi xe chạy, lốp phải chịu tác động lớn của lực tiếp tuyến, để tăng độ cứng vững, chắc chắn cho lớp sợi bố, thì loại lốp này có các lớp đai được làm bằng vật liệu có độ cứng cao, không dễ kéo giãn.

3.4 Sự khác biệt giữa lốp có lớp sợi bố chéo và lốp có lớp sợi bố hướng kính

Lốp bố chéo có khá nhiều nhược điểm. Vì các sợi bố ma sát mạnh với nhau khi xe chạy, làm cho lốp sinh nhiệt, từ đó khiến cho bề mặt lốp bị mài mòn nhanh. Hơn nữa, sự bố trí các sợi bố đan chéo nhau khiến cho loại lốp này khó điều khiển, thao tác, đồng thời làm giảm tính êm dịu của xe. Đối với lốp bố xuyên tâm, cách bố trí xuyên tâm khiến các sợi bố ít ma sát với nhau hơn khi xe chạy, nhờ vậy làm tăng tuổi thọ của lốp.

Với những đặc điểm vốn có, lốp bố hướng kính còn khiến cho loại lốp này có thể không cần xăm. Lốp không săm có một ưu điểm đã được thừa nhận rộng rãi, đó là khi bị đâm thủng, lốp vẫn giữ được áp suất khí trong một thời gian nhất định, nhờ vậy, làm tăng tính an toàn khi chạy xe.

Trong khi đó, lốp bố chéo có săm, khi bị đâm thủng thường bị nổ. Điều này hết sức nguy hiểm khi xe lưu thông trên đường. Ngoài ra, lốp bố hướng kính có đặc tính bám đường tốt hơn so với lốp bố chéo.

Ưu điểm của lốp bố hướng kính so với lốp bố chéo là tính đàn hồi tốt, chịu mài mòn, chịu tải trọng lớn, không dễ bị đâm thủng. Nhược điểm là thành lốp dễ bị rạn, nứt. Vì biến dạng ở thành lốp lớn, nên dễ dẫn đến sự ổn định ở phía thành lốp kém, ngoài ra, việc chế tạo đòi hỏi kỹ thuật và giá thành cao.

1