"Độ" còi xe máy, thú chơi nguy hiểm

CEO ANH JIMMY
Những chiếc còi "độ" phát ra tiếng kêu lớn đang được một số người lùng mua trang bị cho chiếc xe của mình để gây chú ý khi đi trên đường. Tuy nhiên, các loại...

Những chiếc còi "độ" phát ra tiếng kêu lớn đang được một số người lùng mua trang bị cho chiếc xe của mình để gây chú ý khi đi trên đường. Tuy nhiên, các loại còi xe có âm thanh "khủng" được sử dụng tràn lan hiện nay tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, gây mất an ninh trật tự.

Thợ sửa xe đang “chế” còi “khủng” theo yêu cầu của khách hàng.

Các loại còi "độ" nguy hiểm

Tại các cửa hàng bán phụ tùng xe máy ở TP.Biên Hòa không thiếu những món "đồ chơi" cho các loại xe 2 bánh. Từ đèn xi-nhan, đèn chiếu, gương chiếu hậu..., đến những chiếc còi phát ra với âm thanh "khủng".

Loại nào cũng có

Theo tìm hiểu của phóng viên, khách mua còi "độ" không chỉ là các thanh niên "choai choai", mà cả một số người đứng tuổi cũng muốn mua loại linh kiện này để gắn vào xe. Mặt hàng này có đủ chủng loại nhằm phục vụ người chơi. Tuy nhiên, loại thông dụng nhất, tiếng kêu thuộc dạng lớn vẫn là những chiếc còi điện có công suất 3A-12V trở lên.

Theo một cán bộ thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an tỉnh, việc xe máy, xe ô tô, xe tải tự động gắn còi ưu tiên là vi phạm lỗi thay đổi kết cấu xe. Các phương tiện vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 100 ngàn đến 2 triệu đồng. Đối với xe máy thì khó phát hiện hơn do người sử dụng thường gắn kín trong xe. Nguy hiểm nhất là người sử dụng còi "độ" thường đi theo nhóm đông rồi hú còi inh ỏi, làm người đi đường hoảng sợ, từ đó dễ dẫn đến tai nạn giao thông.

H.T., chủ một cửa hàng bán phụ tùng xe máy trên đường Phạm Văn Thuận, đoạn gần cầu Mương Sao (TP.Biên Hòa), cho biết bình thường xe máy đều có gắn một chiếc còi đơn. Lúc đầu thì tiếng kêu của chiếc còi khá lớn, nhưng sau một thời gian sử dụng còi bắt đầu có hiện tượng rè, bị mất tiếng hoặc không đủ độ lớn để báo hiệu. Ngoài ra, có một số loại còi kém chất lượng, lúc rửa xe hoặc bị vào nước sẽ bị "chết".

Còn còi xe máy "độ" được người chơi ưa chuộng bởi có thể phát ra những tiếng "độc", như: còi hụ của xe Cảnh sát 113; còi ô tô, xe buýt... Những chiếc còi này có cấu tạo như đèn đôi của xe hơi, gồm 1 chiếc âm trầm (ký hiệu là L) và 1 chiếc âm cao (ký hiệu chữ H). Dân độ "còi" chuyên nghiệp thường gọi là còi đực và còi cái.

Một chiếc còi “khủng” được giới thiệu có thể phát ra âm lượng lớn khiến nhiều người đi đường hốt hoảng.

Nguy cơ và hậu quả

Trên nhiều tuyến đường, tiếng còi "khủng" vẫn thường vang lên làm náo động cả một khu vực. Đặc biệt, vào các tối cuối tuần, trên đường đông đúc phương tiện qua lại hoặc khi diễn ra các sự kiện, lễ hội lớn lại xuất hiện vài thanh niên tụ tập chạy theo nhóm bấm còi, nẹt pô xe ầm ĩ. Điều này khiến người tham gia giao thông không khỏi bức xúc, bởi lúc nghe thấy tiếng còi xe cấp cứu, xe cảnh sát mọi người sẵn sàng nép vào lề nhường đường, nhưng sau đó nhìn lại không phải xe ưu tiên mà chỉ là xe máy bình thường. Nhiều trường hợp khi nghe tiếng còi "khủng", người điều khiển phương tiện đã hốt hoảng giật mình, luống cuống dẫn đến va chạm giao thông, gây thương tích.

Ngoài nguy cơ mất an toàn giao thông và an ninh trật tự thì việc tự tiện "độ" còi xe một cách vô tội vạ có thể dẫn đến tình trạng cháy, nổ do chập điện. Vì vậy, với những trường hợp bị phát hiện cần phải kiên quyết xử lý nghiêm, không để tình trạng này gây nguy hiểm đến người đi đường.

1